Cây mía “xương gà” ở Pú Nhung

ĐBP - Cây mía “xương gà” được trồng và “bén rễ” trên đất Pú Nhung (huyện Tuần Giáo) từ khá lâu, song để được biết đến...

Thảo quả, đặc sản xã Tênh Phông

Thảo quả, đặc sản xã Tênh Phông

Mía tím, đặc sản xã Pú Nhung

Mía tím, đặc sản xã Pú Nhung

Táo mèo, đặc sản xã Tỏa Tình, Tênh Phông

Táo mèo, đặc sản xã Tỏa Tình, Tênh Phông

Khoai sọ, đặc sản xã Rạng Đông, Tênh...

Khoai sọ, đặc sản xã Rạng Đông, Tênh Phông
QUẢNG CÁO

Cây mía “xương gà” ở Pú Nhung

Thứ năm - 10/05/2018 09:23
ĐBP - Cây mía “xương gà” được trồng và “bén rễ” trên đất Pú Nhung (huyện Tuần Giáo) từ khá lâu, song để được biết đến rộng rãi thì mới chỉ thời gian gần đây, khi một số người Mông mạnh dạn vượt cách trở về giao thông, mang mía đi bán và giới thiệu ra các khu vực ngoài, như: TP. Ðiện Biên Phủ, huyện Tủa Chùa; huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu (Sơn La). Những cây mía đốt ngắn, khẳng khiu mà nếu chỉ nhìn qua thì không mấy ai chịu “móc hầu bao”; song khi nếm thử thì nhiều người không khỏi bất ngờ bởi vị ngọt, mềm, thanh mát khác hẳn các giống mía được trồng ở một số địa phương khác trong tỉnh. Chúng tôi tìm về vùng quê cách mạng Pú Nhung khi mía đang bắt đầu vào vụ mới.

Vượt 12km từ thị trấn Tuần Giáo, trên con đường ngút ngàn 2 bên là màu xanh của những cây mía đang lớn, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông có dáng vẻ lam lũ, lưng đeo gùi bước ra từ ruộng mía. Thật trùng lặp, sau vài câu chào hỏi chúng tôi nhận ra ông chính là nhân vật đang tìm kiếm theo lời giới thiệu của những người bán mía. Ông là Sùng Phái Sình - người Mông đầu tiên mang cây mía về trồng trên đất Pú Nhung.

 

 

Người dân bản Khó Bua, xã Pú Nhung chăm sóc mía.

Với người tinh ý, chỉ cần nhìn đôi bàn tay chai sần, đầy vết xước đã thành sẹo thì phần nào có thể hiểu ông Sùng Phái Sình là người dày dạn kinh nghiệm trồng mía. Ðưa bàn tay, ông bảo: “Làm mía không vất vả như làm ngô, làm lúa nương, nhưng do lá mía sắc như lưỡi liềm, chỉ cần vô ý bị cứa vào cơ thể sẽ thành sẹo thế này. Làm càng lâu, sẹo càng nhiều”. Không riêng tôi mà đa số người dân trồng mía, do bị cứa nhiều nên tay, chân ai cũng có sẹo.

Trong ngôi nhà gỗ kiên cố nằm ngay trục đường chính đi vào trung tâm xã, ông Sình tiếp tục câu chuyện về cái duyên với cây mía “xương gà”. Trước đây, gia đình ông Sình cũng nghèo lắm. Nhà có vài héc ta đất trồng ngô, đậu tương, rồi làm cả lúa nương, quần quật quanh năm mà kinh tế không khá hơn được. Cách đây 7 năm, trong một lần sang huyện Bình Lư (tỉnh Lai Châu) thăm người thân, ông Sình thấy nhiều người giàu lên nhờ cây mía “xương gà”. Mon men học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc, thấy không phức tạp, ông quyết định mua 2.000 ngọn mía (khúc mía giống) về trồng thay thế một phần diện tích ngô của gia đình. Vụ đầu tiên thu hoạch, ông Sình chỉ bán cho người quanh bản và giáo viên trong vùng. Vị ngon của cây mía nhanh chóng chiếm vị thế trong lòng những người thưởng thức lần đầu. Tiếng lành đồn xa, ngay sau đó nhiều hộ lân cận đã tìm đến xin, rồi mua ngọn về trồng. Ông Sình sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với bất cứ ai có nhu cầu. Những năm sau đó ông tiếp tục mở rộng diện tích ra vài héc ta. Song từ năm 2016 đến nay do không có người làm nên ông chỉ duy trì trồng 1ha. Vụ vừa qua gia đình ông thu về 80 triệu đồng.

Nói về cách để giữ được đúng vị ngon của giống mía “xương gà”, như một kỹ sư nông nghiệp, ông Sình kể vanh vách: “Muốn mía phát triển tốt thì phải trồng đúng kỹ thuật, cây cách cây 60cm, hàng cách hàng 1,5m. Nếu đất bạc màu thì phải bón phân NPK, nhưng tuyệt đối không bón lân và kali để mía giữ được vị ngọt, mềm đặc trưng, mà không bị cứng. Mỗi gốc cũng chỉ nên để từ 8 - 10 cây, vì để quá nhiều cây sẽ còi và kém phát triển. Rồi phải chằng dây để giữ cây mía khi lớn không bị đổ, gẫy…”.

Với những kỹ thuật được ông Sình chia sẻ, nhiều gia đình trong bản Ðề Chia B, và các bản lân cận, như: Ðề Chia A, C, Khó Bua, Xá Tự… cũng dần chuyển đổi diện tích trồng ngô, đậu tương, sắn… sang trồng mía. Trong đó bản Khó Bua 100% các hộ đều trồng mía. Vài hộ trồng để ăn, còn lại để bán, với mức thu nhập bình quân từ vài chục đến hơn 100 triệu đồng/vụ.

Sau 7 năm “bén duyên” với đất Pú Nhung, cây mía đã có mặt ở 10/10 bản của xã, tổng diện tích khoảng 30ha, và dần khẳng định vị thế khi mang lại giá trị kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với cây ngô, đậu tương. Mía thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Có thời điểm dân buôn vào tận nơi rao giá 10.000 - 15.000 đồng/cây, mà không có mía để bán. Với mức giá này, cũng như ông Sình, nhiều gia đình người Mông ở Pú Nhung đã có nguồn thu nhập khá, góp phần cải thiện cuộc sống.

Tuy nhiên, cũng bởi hiệu quả mang lại khá cao nên nhiều gia đình đua nhau trồng mía. Quy luật cung cầu lại bị phá vỡ. Khoảng 2 năm trở lại đây, giá thành mía giảm dần. Nhiều người bắt đầu lo ngại khi có dấu hiệu tư thương ép giá. “Về chất lượng thì có thể yên tâm, vì giống mía này đã nức tiếng ở nhiều nơi và hiện nay đã cho thấy nhiều ưu thế trên đất Pú Nhung. Chỉ cần bà con chú tâm làm và làm theo kỹ thuật để giữ đúng vị của cây mía. Song nếu cứ phát triển ồ ạt mà không được định hướng rõ ràng, thì cây mía không chỉ mất giá mà e rằng đến lúc cũng khó tìm được thị trường tiêu thụ” - ông Sình trải lòng.

Trao đổi với ông Sùng Dũng Phía, Chủ tịch UBND xã Pú Nhung về vấn đề này, ông cho biết: “Ðây không phải là giống cây nằm trong kế hoạch giao hàng năm của huyện, mà do người dân trồng tự phát. Tuy nhiên, thời gian qua cây mía đã cho thấy những ưu thế nhất định, có hiệu quả kinh tế cao và nhiều người dân địa phương cũng đang có nguyện vọng mở rộng thêm diện tích. Theo tính toán thì hiện nay thị trường tiêu thụ vẫn đang ổn định nên định hướng của xã là tiếp tục cho phát triển; chủ yếu sẽ trồng thay thế dần vào một phần diện tích ngô và sẽ biến loại cây này thành hàng hóa giúp nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ một số loại cây trồng trước đó, chúng tôi sẽ tiến hành rà soát, đánh giá, trên cơ sở đó đưa ra quy hoạch cụ thể, tránh phát triển một cách ồ ạt, dẫn đến tình trạng mía được mùa mà lại mất giá, còn nông dân thì vẫn cứ lao đao”.


Bài, ảnh: Hà Linh

 

Nguồn tin: baodienbienphu.info.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

TOURS DU LỊCH
QUẢNG CÁO
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây